Văn nghị luận là một dạng văn mà trong bài người viết, người nói tác giả dùng chủ yếu các lý lẽ, các dẫn chứng sau đó lập luận chỉ ra các những điểm nhấn, luận điểm nhằm xác định chỉ ra cho người đọc, người nghe thấy được tư tưởng, quan điểm của tác giả gửi gắm vào tác phẩm. Cùng tìm hiểu về lập luận trong văn nghị luận nhé!
Đọc đoạn văn lập luận và trả lời câu hỏi
a). Kết luận (mục đích) của lập luận trong văn nghị luận là gì?
– Đoạn văn lập luận là một đoạn trong tác phẩm Thư lại dụ Vương Thông của Nguyễn Trãi. Đây là một áng văn chính luận mẫu mực về nghệ thuật lập luận.
– Kết luận (mục đích) của lập luận là chỉ ra cho giặc thấy nếu không hiểu thời thế, lại dối trá (kẻ thất phu hèn kém) thì không thể “nói việc binh” nhằm thuyết phục đối phương hiểu tình hình mà lựa chọn đúng đắn, từ bỏ ý định xâm lược.
b). Để dẫn tới kết luận đó, tác giả đã đưa ra những lí lẽ hoặc dẫn chứng (luận cứ) nào?
– Để dẫn tới kết luận đó, tác giả đã sử dụng các luận cứ:
+ Người dùng binh…
+ Được thời có thể…
+ Mất thời không thế thì mạnh quay thành yếu…
– Các luận cứ đều là lí lẽ, xuất phát từ chân lí “Người dùng binh giỏi là ở chỗ biết xét thời thế…”, tác giả suy luận tới hai hệ quả “được thời có thế thì biến mất thành còn, hóa nhỏ thành lớn” và “mất thời không thế thì mạnh quay thành yếu, yên chuyển thành nguy”. Đó chính là cơ sở để khẳng định bọn giặc không hiểu thời thế, lại dối trá nên chỉ là “kẻ thất phu hèn kém”, cầm chắc thất bại.
c). Hãy cho biết thế nào là một lập luận trong văn nghị luận?
Lập luận là đưa ra các lí lẽ, dẫn chứng nhằm dẫn dắt người đọc (người nghe) đến một kết luận nào đó mà người viết (người nói) muốn đạt tới.
Cách xây dựng lập luận trong văn nghị luận
Xác định luận điểm
– Tìm hiểu văn bản Chữ ta (SGK) và trả lời câu hỏi:
a). Bài văn nghị luận trên bàn có vấn đề gì? Quan điểm của tác giả về vấn đề đó như thế nào?
Văn bản bàn về thái độ tự trọng trong việc sử dụng tiếng mẹ đẻ (chữ ta). Theo tác giả, khi cần thiết mới dùng tiếng nước ngoài để đảm bảo quyền lợi được thông tin của người đọc.
b). Bài văn có bao nhiêu luận điểm? Tìm các luận điểm đó.
Bài văn có hai luận điểm:
– Tiếng nước ngoài đang lấn lướt tiếng Việt trong các bảng liệu, quảng cáo ở nước ta.
– Một số trường hợp tiếng nước ngoài được đưa vào báo chí một cách không cần thiết, gây thiệt thòi cho người đọc.
Tìm luận cứ
– Đọc lại hai đoạn văn ở mục trước (SGK) để trả lời câu hỏi.
a). Tìm các luận cứ cho mỗi luận điểm.
– Xác định luận điểm, luận cứ trong đoạn trích Thư lại dụ Vương Thông.
+ Các luận điểm:
* Người dùng binh… luận cứ “Người dùng binh giỏi là ở chỗ biết xét thời thế…”.
* Được thời có thể… luận cứ “được thời có thế thì biến mất thành còn, hóa nhỏ thành lớn”.
* Mất thời không thế thì mạnh quay thành yếu… luận cứ “mất thời không thế thì mạnh quay thành yếu, yên chuyển thành nguy”, bọn giặc không hiểu thời thế, lại dối trá nên chỉ là “kẻ thất phu hèn kém”, cầm chắc thất bại.
– Trong Chữ ta gồm có 2 luận điểm và 6 luận cứ là:
+ Luận điểm 1: “Khắp nơi đều có quảng cáo, nhưng… danh lam thắng cảnh”. Các luận cứ: “Chữ nước ngoài… ở phía trên”, “Đi đâu, nhìn đâu… chữ Triều Tiên”, “Trong khi đó.. lạc sang một nước khác”.
+ Luận điểm 2: ‘’Phải chăng… mà ta nên suy ngẫm”. Các luận cứ: “Tôi không biết chữ… in rất đẹp”, “Nhưng các tờ báo… bài cần đọc”, “Trong khi đó… trang thông tin”.
b). Cho biết đâu là luận cứ lí lẽ, đâu là bằng chứng thực tế?
– Luận cứ trong đoạn trích Thư lại dụ Vương Thông của Nguyễn Trãi đều là các lí lẽ.
– Luận cứ của cả hai luận điểm trong bài Chữ ta đều là bằng chứng thực tế “mắt thấy tai nghe” của chính người viết khi tác giả sang Xơ-un (Hàn Quốc) và quay về Việt Nam.
Lựa chọn phương pháp lập luận trong văn nghị luận
– Phương pháp lập luận trong văn nghị luận là cách thức lựa chọn, sắp xếp luận điểm, luận cứ cho cho lập luận chặt chẽ và thuyết phục.
Xác định và phân tích các phương pháp lập luận được vận dụng trong đoạn trích Thư lại dụ Vương Thông và Chữ ta.
– Hai ngữ liệu trên sử dụng hai phương pháp lập luận khác nhau.
+ Đoạn văn của Nguyễn Trãi lập luận theo phương pháp diễn dịch và quan hệ nhân – quả. Đầu tiên đưa ra nhận định khái quát “Người dùng binh giỏi là ở chỗ biết xem thời thế mà thôi”, sau đó triển khai nhận định bằng các luận cứ (đồng thời cũng là nguyên nhân) và cuối cùng là lời đánh giá từ các luận cứ (đồng thời cũng là kết quả).
+ Bài văn của Hữu Thọ lập luận theo phương pháp quy nạp và so sánh đối lập. Để đi đến kết luận về “thái độ tự trọng của một quốc gia”, tác giả đã xây dựng hai luận điểm. Trong mỗi luận điểm, người viết đều so sánh thực tế giữa Hàn Quốc và Việt Nam về phương diện chữ viết trên quảng cáo, bảng hiệu và trên báo chí.
Kể thêm một số phương pháp lập luận thường được sử dụng trong văn bản nghị luận.
– Phương pháp lập luận là cách thức lựa chọn, sắp xếp luận điểm, luận cứ sao cho lập luận chặt chẽ và thuyết phục.
– Các phương pháp lập luận đã học gồm: Phương pháp diễn dịch, phương pháp quy nạp; phương pháp so sánh đối lập; phương pháp quan hệ nhân – quả…
– Ba phương pháp lập luận khác thường gặp trong văn bản nghị luận:
+ Phương pháp loại suy: Dựa vào sự so sánh hai đối tượng, tìm ra những thuộc tính giống nhau, từ đó có thể suy ra chúng có cùng một thuộc tính giống nhau khác.
+ Phương pháp phản đề: Là phương pháp xuất phát từ một kết luận có sẵn (sai hoặc đúng) để suy ra một kết luận khác (sai hoặc đúng). Kết luận chung có thể đúng, cũng có thể sai.’
+ Phương pháp ngụy biện: Là phương pháp xuất phát từ một thực tế hiển nhiên để suy ra những kết luận chủ quan nhằm bác bỏ ý kiến của đối phương. Kết luận chung có thể đúng khi chỉ dừng lại ở bề mặt hiện tượng, sai khi xem xét một cách toàn diện và bản chất.
Văn nghị luận được viết ra nhằm giúp cho người đọc, người nghe tin, tán thưởng và hiểu để cùng đồng hành với người viết. Trên đây là cách lập luận trong văn nghị luận.