Văn nghị luận là gì? Cách làm bài văn nghị luận xã hội sao cho hay và đúng trọng tâm không bị lạc đề thì không phải thí sinh nào cũng nắm rõ. Trong bài viết này xin chia sẻ các bước làm văn nghị luận chuẩn nhất, mời các bạn cùng tham khảo.
1. Cách viết văn nghị luận xã hội
Dạng đề văn nghị luận xã hội là dạng đề kiểm tra về kỹ năng, vốn sống, mức độ hiểu biết của học sinh về xã hội để các em nêu lên những suy nghĩ về cuộc sống, về tâm tư tình cảm nói chung nhằm giáo dục, rèn luyện nhân cách cho học sinh. Nhìn chung, dạng đề văn nghị luận xã hội thường tập trung vào một số vấn đề cơ bản mang giá trị đạo lý làm người, những hiện tượng thường xảy ra trong xã hội mà qua đó trở thành kinh nghiệm sống cho mọi người.
I. CÁC DẠNG ĐỀ NGHỊ LUẬN XÃ HỘI THƯỜNG GẶP
1. Nghị luận về một hiện tượng đời sống
– Hiện tượng có tác động tích cực đến suy nghĩ (tiếp sức mùa thi, hiến máu nhân đạo…).
– Hiện tượng có tác động tiêu cực (bạo lực học đường, tai nạn giao thông…).
– Nghị luận về một mẩu tin tức báo chí (hình thức cho một đoạn trích, mẩu tin trên báo… Rút ra vấn đề nghị luận).
2. Nghị luận về một tư tưởng đạo lý
– Tư tưởng mang tính nhân văn, đạo đức (lòng dũng cảm, khoan dung, ý chí nghị lực…).
– Tư tưởng phản nhân văn (ích kỷ, vô cảm, thù hận, dối trá…).
– Nghị luận về hai mặt tốt xấu trong một vấn đề.
– Vấn đề có tính chất đối thoại, bàn luận, trao đổi.
– Vấn đề đặt ra trong mẩu truyện nhỏ hoặc đoạn thơ.
II. NHỮNG VẤN ĐỀ LƯU Ý KHI LÀM BÀI VĂN NGHỊ LUẬN
1. Đọc kỹ đề
– Mục đích: Hiểu rõ yêu cầu của đề, phân biệt được tư tưởng đạo lý hay hiện tượng đời sống.
– Phương pháp xác định: Đọc kỹ đề, gạch chân dưới từ, cụm từ quan trọng để giải thích và xác lập luận điểm cho toàn bài. Từ đó có định hướng đúng mà viết bài cho tốt.
2. Lập dàn ý
– Giúp ta trình bày văn bản khoa học, có cấu trúc chặt chẽ, hợp logic.
– Kiểm soát được hệ thống ý, lập luận chặt chẽ, mạch lạc.
– Chủ động dung lượng các luận điểm phù hợp, tránh lan man, dài dòng.
3. Dẫn chứng phù hợp
– Không lấy những dẫn chứng chung chung (không có người, nội dung, sự việc cụ thể) sẽ không tốt cho bài làm.
– Dẫn chứng phải có tính thực tế và thuyết phục (người thật, việc thật).
– Đưa dẫn chứng phải thật khéo léo và phù hợp (tuyệt đối không kể lể dài dòng).
4. Lập luận chặt chẽ, lời văn cô động, giàu sức thuyết phục
– Lời văn, câu văn, đoạn văn viết phải cô đúc, ngắn gọn.
– Lập luận phải chặt chẽ.
– Cảm xúc trong sáng, lành mạnh.
– Để bài văn thấu tình đạt lý thì phải thường xuyên tạo lối viết song song (đồng tình, không đồng tình; ngợi ca, phản bác…).
5. Bài học nhận thức và hành động
– Sau khi phân tích, chứng minh, bàn luận… thì phải rút ra cho mình bài học.
– Thường bài học cho bản thân bao giờ cũng gắn liền với rèn luyện nhân cách cao đẹp, đấu tranh loại bỏ những thói xấu ra khỏi bản thân, học tập lối sống…
6. Độ dài cần phù hợp với yêu cầu đề bài
– Khi đọc đề cần chú ý yêu cầu đề (hình thức bài làm là đoạn văn hay bài văn, bao nhiêu câu, bao nhiêu chữ…) từ đó sắp xếp ý tạo thành bài văn hoàn chỉnh.
III. CẤU TRÚC ĐỀ VÀ CÁC DẠNG ĐỀ CỤ THỂ
1. Nghị luận về tư tưởng đạo lý
1.1 Khái niệm: Nghị luận về một tư tưởng, đạo lý là bàn về một vấn đề thuộc lĩnh vực tư tưởng, đạo đức, quan điểm nhân sinh (như các vấn đề về nhận thức; về tâm hồn nhân cách; về các quan hệ gia đình xã hội, cách ứng xử; lối sống của con người trong xã hội…).
Cấu trúc bài văn:
a. Mở bài
– Giới thiệu khái quát tư tưởng, đạo lý cần nghị luận.
– Nêu ý chính hoặc câu nói về tư tưởng, đạo lý mà đề bài đưa ra.
b. Thân bài
– Luận điểm 1: Giải thích yêu cầu đề
+ Cần giải thích rõ nội dung tư tưởng đạo lý.
+ Giải thích các từ ngữ, thuật ngữ, khái niệm, nghĩa đen, nghĩa bóng (nếu có).
+ Rút ra ý nghĩa chung của tư tưởng, đạo lý; quan điểm của tác giả qua câu nói (thường dành cho đề bài có tư tưởng, đạo lý được thể hiện gián tiếp qua câu danh ngôn, tục ngữ, ngạn ngữ…).
– Luận điểm 2: Phân tích và chứng minh
+ Các mặt đúng của tư tưởng, đạo lý (thường trả lời câu hỏi tại sao nói như thế?).
+ Dùng dẫn chứng xảy ra cuộc sống xã hội để chứng minh.
+ Từ đó chỉ ra tầm quan trọng, tác dụng của tư tưởng, đạo lý đối với đời sống xã hội.
– Luận điểm 3: bình luận mở rộng vấn đề
+ Bác bỏ những biểu hiện sai lệch có liên quan đến tư tưởng, đạo lý (vì có những tư tưởng, đạo lý đúng trong thời đại này nhưng còn hạn chế trong thời đại khác, đúng trong hoàn cảnh này nhưng chưa thích hợp trong hoàn cảnh khác).
+ Dẫn chứng minh họa (nên lấy những tấm gương có thật trong đời sống).
– Rút ra bài học nhận thức và hành động
+ Rút ra những kết luận đúng để thuyết phục người đọc.
+ Áp dụng vào thực tiễn đời sống.
c. Kết bài
– Nêu khái quát đánh giá ý nghĩa tư tưởng đạo lý đã nghị luận.
– Mở ra hướng suy nghĩ mới.
2. Dàn ý về dạng đề mang tính nhân văn
2.1 Khái niệm:
– Các tính nhân văn tốt đẹp: lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí nghị lực, tôn sư trọng đạo…
– Hình thức: thường ra dưới dạng một ý kiến, một câu nói, một hay vài câu thơ hoặc tục ngữ, ngạn ngữ…
2.2 Cấu trúc bài làm
a. Mở bài: Trong trường hợp là đề yêu cầu bàn về một câu nói, một ý kiến thì chúng ta nêu nội dung của ý kiến rồi dẫn ý kiến vào.
b. Thân bài
Trong trường hợp đề chỉ yêu cầu bàn về đức tính của con người.
Ví dụ: Cho mẩu chuyện sau: “Có một con kiến đang tha chiếc lá trên lưng. Chiếc lá lớn hơn con kiến gấp nhiều lần. Đang bò, kiến gặp phải một vết nứt khá lớn trên nền xi măng. Nó dừng lại giây lát, đặt chiếc lá ngang qua vết nứt rồi vượt qua bằng cách bò lên trên chiếc lá. Đến bờ bên kia, con kiến lại tiếp tục tha chiếc lá và tiếp tục cuộc hành trình”. Bằng một văn bản ngắn (khoảng 1 trang giấy thi), trình bày suy nghĩ của em về ý nghĩa mẩu chuyện trên.
Trước hết, ta cần tìm hiểu thông điệp câu chuyện gửi đến: Những khó khăn, trở ngại vẫn thường xảy ra trong cuộc sống, luôn vượt khỏi toan tính và dự định của con người. Vì vậy, mỗi người cần phải có nghị lực, sáng tạo để vượt qua.
– Giải thích ý nghĩa truyện:
+ Chiếc lá và vết nứt: Biểu tượng cho những khó khăn, vất vả, trở ngại, những biến cố có thể xảy ra đến với con người bất kì lúc nào.
+ Con kiến dừng lại trong chốc lát để suy nghĩ và nó quyết định đặt ngang chiếc lá qua vết nứt, rồi vượt qua bằng cách bò lên trên chiếc lá. Đó là biểu tượng cho con người biết chấp nhận thử thách, biết kiên trì, sáng tạo, dũng cảm vượt qua bằng chính khả năng của mình.
– Bàn luận
+ Thực tế: những người biết chấp nhận thử thách, biết kiên trì, sáng tạo, dũng cảm vượt qua bằng chính khả năng của mình sẽ vươn đế thành công.
+ Tại sao con người cần có nghị lực trong cuộc sống?
Cuộc sồng không phải lúc nào cũng êm ả, xuôi nguồn mà luôn có những biến động, những gian truân thử thách. Con người cần phải có ý chí, nghị lực, thông minh, sáng tạo và bản lĩnh mạnh dạn đối mặt với khó khăn gian khổ, học cách sống đối đầu và dũng cảm; học cách vươn lên bằng nghị lực và niềm tin. Dẫn chứng: Lê Lợi mười năm nếm mật nằm gai đưa cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đến thắng lợi.
– Phê phán những quan niệm, suy nghĩ sai trái:
+ Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn những người bi quan, chán nản, than vãn, buông xuôi, ỷ lại, hèn nhát, chấp nhận, đầu hàng, đổ lỗi cho số phận…. cho dù những khó khăn ấy chưa phải là tất cả.
+ Dẫn chứng (lấy từ thực tế cuộc sống).
– Bài học nhận thức và hành động:
+ Về nhận thức: Khi đứng trước thử thách cuộc đời cần bình tĩnh, linh hoạt, nhạy bén tìm ra hướng giải quyết tốt nhất (chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo).
+ Về hành động: Khó khăn, gian khổ cũng là điều kiện thử thách và tôi luyện ý chí, là cơ hội để mỗi người khẳng định mình. Vượt qua nó, con người sẽ trưởng thành hơn, sống có ý nghĩa hơn.
c. Kết bài
– Khẳng định lại vấn đề.
– Liên hệ.
Ví dụ: Tóm lại, cuộc sống không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Khó khăn, thử thách, sóng gió có thể nổi lên bất cứ lúc nào. Đó là qui luật tất yếu mà con người phải đối mặt. Vì thế cần phải rèn luyện nghị lực và có niềm tin vào cuộc sống. “Đường đi trải đầy hoa hồng sẽ không bao giờ dân đến vinh quang”.
Trên đây là hướng dẫn chi tiết cách làm bài nghị luận xã hội cho các bạn đọc đang quan tâm!